Làm thế nào để chúng ta đạt được sự cân bằng giữa việc thực hành quá nhiều, căng thẳng, và thực hành quá ít cùng với cảm giác như chúng ta chưa đủ cố gắng? Hãy cùng khám phá các khái niệm về Sthira và Sukha.
Khi nói đến việc thực hành Yoga và các triết lý đi kèm với nó, khái niệm tìm kiếm sự cân bằng được lặp đi lặp lại và có liên quan rõ ràng.
Bản chất của cuộc sống biểu hiện ra như sự lên và xuống, như dòng chảy của ánh sáng và bóng đêm, sức mạnh và yếu đuối, cái thiện và ác. Tuy nhiên, chúng ta có thể thường thấy, thông qua những triết lý của yoga và các bài học của cuộc sống, hài hòa nằm ở sự cân bằng. Chúng ta thấy điều này trong chu kỳ Trái đất và Mặt trăng; trong triều cường của đại dương khi chúng lên và xuống. Chúng ta trải nghiệm điều đó khi có những đỉnh cao trong cuộc đời, và theo sau đó là những điểm đáy đến đau lòng.
Có một nhịp điệu tiềm ẩn cho tất cả.
Vậy chúng ta tìm kiếm sự cân bằng như thế nào?
Khái niệm Sthira và Sukha trong triết lý Yoga ám chỉ chính xác bản chất phân cực nhưng lại hoàn toàn cân bằng của cuộc sống. Hai khái niệm này được tìm thấy trong Yoga Sutras của Patanjali, một bộ sưu tập 196 bài kinh về triết lý và thực hành yoga.
Bài kinh đề cập đến những thuật ngữ này là kinh 2.46 – “sthira-sukham asanam”. Câu này có thể được tạm dịch là “tư thế phải ổn định và thoải mái”, và nó cũng thường được viết lại là sự cân bằng giữa “nỗ lực” và “thả lỏng”.
- Sthira đề cập đến sự ổn định, ý định và sức mạnh. Về mặt từ nguyên, nó phát sinh từ chữ gốc stha, có nghĩa là “đứng vững, vững vàng”.
- Sukha đề cập đến sự thoải mái, dễ dàng và cởi mở, và nghĩa đen là “không gian tốt”, từ các chữ gốc là su (tốt) và kha (không gian).
Nỗ lực và thả lỏng trên tấm thảm của bạn
Sthira là ngọn lửa; là phần thực hành đòi hỏi bạn phải hiện diện trọn vẹn khi bước vào trải nghiệm một cảm giác khó chịu, cho dù nó có thể xuất hiện từ cơ thể vật lý, tâm trí hay ở thể năng lượng. Tìm kiếm sự ổn định trong cơ thể và tâm trí khi thực hành asana, thiền định, hoặc bất kỳ hình thức thực hành yoga nào khác là điều cuối cùng có thể đưa chúng ta đến trạng thái cân bằng. “Asana sthiti”, sự kiên định trong tư thế.
Bạn sẽ biết mình đang trải nghiệm asana sthiti khi có sự ổn định trong tư thế, cơ bắp của bạn hoạt động và hơi thở của bạn nhịp nhàng và hỗ trợ cho khoảnh khắc đang diễn ra trước mắt bạn. Tâm trí của bạn sẽ hiện diện và tinh tường.
Sukha xảy ra khi chúng ta học cách buông bỏ. Đó là một phần của thực hành, khi chúng ta ngày càng trở nên quen thuộc hơn với bản thân, chúng ta bắt đầu thư giãn và trở nên hiện diện hơn trong trải nghiệm mà không cần phải căng lên hoặc cố gắng nhiều hơn; quy luật về nỗ lực tối thiểu được biểu hiện. Đó là một phần của bản thân chúng ta khi ta thực sự biết thời điểm mà mình đã “đạt đến” trong tư thế. Mọi thứ đều như sắp xếp đúng và không có sự căng cơ nào. Tâm trí cảm thấy bình an, hài lòng và rộng rãi, và prana, năng lượng sinh lực, có thể tuôn chảy tự do qua chúng ta.
Trên tấm thảm luyện tập và trong cuộc sống của mình, chúng ta không ngừng tìm kiếm sự hài hòa giữa sức mạnh và sự ổn định, cũng như sự linh hoạt và tự do. Có quá nhiều cái này và quá ít cái kia sẽ tạo ra sự mất cân bằng.
Nếu cơ thể bạn khỏe mạnh nhưng cơ bắp và các mô liên kết khác không linh hoạt, bạn có thể thực hiện một số tư thế như Chaturanga Dandasana một cách dễ dàng. Tuy nhiên, khi bạn mở người về phía trước như trong tư thế Bhujangasana (rắn hổ mang), hoặc ngồi trong tư thế Sukhasana để thiền định có thể rất khó khăn. Cảm giác của sự tự do và khoáng đạt trở nên khó nắm bắt.
Mặt khác, nếu việc luyện tập của bạn tập trung vào việc đạt được sự linh hoạt, ưu thế của các chuyển động uyển chuyển khi so với các tư thế có kiểm soát và duy trì, đó là bạn có thể trở nên linh hoạt và mềm dẻo, nhưng bạn sẽ phải vật lộn để giữ các tư thế trong một thời gian đủ lâu. Bạn có thể vào một tư thế cụ thể nhưng lại thiếu khả năng cảm nhận cơ và kích hoạt cơ bắp cần thiết để ở trong tư thế một cách an toàn.
Cách để bạn tìm kiếm sự cân bằng như thế nào?
Đó không phải là câu hỏi cuối cùng sao? Làm thế nào để chúng ta tìm thấy sự cân bằng trên tấm thảm của mình giữa việc luyện tập quá nhiều, căng thẳng, và thực hành quá ít, cảm thấy như chúng ta “chưa cố gắng” đủ? Câu trả lời là: Sthira và Sukha. Hãy đi vào tư thế một cách có chủ đích, kích hoạt các cơ cần thiết, điều chỉnh lại để tìm sự liên kết an toàn. Và, khi ở đó, bạn sẽ tìm thấy hơi thở, sự thoải mái và khoảnh khắc hiện tại của mình. Một lần hít vào và một lần thở ra, nhấp nhô và tuôn chảy.
Làm thế nào để chúng ta đi qua cuộc sống mình một cách ổn định, nơi cả công việc và giải trí đều bình đẳng như nhau? Thời gian dành cho bản thân tương xứng với thời gian chúng ta dành để làm những việc cho người khác? Theo cách chính xác giống hệt như khi chúng ta khám phá tính hai mặt này trên tấm thảm tập yoga của mình; với nhận thức và ý định về sự cân bằng.
Tâm trí thích thú với trò chơi cực đoan này; tất cả sẽ là… hoặc không là gì cả. Hoặc là bạn tuyệt vời hoặc bạn hoàn toàn kém cỏi. Tâm trí được đào tạo để giữ bạn trong trò chơi này, nếu bạn cho phép, trong những điều vô nghĩa; chẳng hạn như suy nghĩ thái quá về khoảnh khắc đáng xấu hổ mà bạn đã có vào tuần trước, và hồi tưởng lại nó nhiều lần. Hoặc có thể lo lắng về buổi thuyết trình ngày mai với những suy nghĩ về sự phán xét, thất bại và các tình huống tệ nhất.
Hãy quay về với hiện tại, nơi cuộc sống thực sự diễn ra.
Bản chất cuộc sống
Nó nằm ở sự cân bằng, trong việc ghi nhớ bản chất kép của cuộc sống, sự dao động liên tục của con lắc từ bên này sang bên kia, và khả năng của chúng ta để hòa quyện cùng dòng chảy với đủ nhận thức và chánh niệm để nhận ra những khoảnh khắc ở giữa.
Thông qua thực hành chánh niệm, khi bạn nhận thức rõ hơn về cách bạn thể hiện khi luyện tập và trong cuộc sống của mình, bạn có thể bắt đầu hiểu bản thân và những mô thức của mình tốt hơn một chút; Cách Bạn Làm Bất Cứ Điều Gì Là Cách Bạn Làm Mọi Thứ.
Có lẽ khuynh hướng tự nhiên của bạn trong cuộc sống là Sthira; luôn hoạt động, làm việc chăm chỉ hơn, làm cho mọi thứ hoàn hảo, bận rộn, năng động và căng thẳng. Nếu đúng như vậy, hãy tối ưu phương pháp thực hành của mình để tạo ra sự cân bằng; nghiêng nhiều hơn về nền tảng, thực hành thư giãn như Yoga Phục hồi hoặc Yin Yoga hoăc Sivananda Yoga, thiền định và các bài tập thở pranayama để hỗ trợ và làm tăng Sukha, sự thả lỏng.
Có thể bạn sống trong địa hạt của Sukha thường xuyên hơn; bạn có thể thích nghi và đi theo dòng chảy, luôn sẵn sàng cho bất cứ điều gì sắp đến. Đôi khi bạn có thể cảm thấy khó hoàn thành nhiệm vụ. Để đưa bản thân trở lại trạng thái cân bằng thông qua việc luyện tập yoga, hãy xem xét các bài tập tăng cường nhiệt và sức mạnh như Vinyasa Flow, Power Yoga, Inside Flow hoặc thậm chí là Ashtanga, một bài tập có tính tổ chức và kiểm soát chắc chắn sẽ mang lại nhiều sức mạnh và có tổ chức hơn cho cuộc sống của mình.
Quả lắc đung đưa
Cho dù bạn đang đung đưa ở đầu nào của con lắc vào lúc này, thì hãy nhớ rằng đó là: một con lắc. Và khát vọng tìm kiếm sự cân bằng sẽ đòi hỏi sự thay đổi và có ý định – cho dù đó là sự nỗ lực nhiều hơn hay sự thả lỏng hơn trong cuộc sống của bạn.
Làm ngược lại với những gì tự nhiên đối với chúng ta có thể gây ra sự khó chịu, phản kháng và thậm chí là tức giận. Tuy nhiên, phần thưởng của việc tìm thấy một cuộc sống cân bằng và viên mãn hơn ở đầu bên kia thực sự rất xứng đáng. Khi bạn học cách lắng nghe bản thân trên tấm thảm của mình, bạn sẽ học cách lắng nghe bản thân mình trong cuộc sống. Có những thời điểm trong cuộc đời, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài nỗ lực, làm việc chăm chỉ, tiến về phía trước. Nhưng cũng có những lúc cuộc sống buộc chúng ta cần phải nghỉ ngơi, thả lỏng và tạm dừng.
Tự mình khám phá từng tư thế và tìm đâu là điểm cân bằng giữa hai thái cực quá nhiều và quá ít, cũng chính là một bài thực hành. Thở và hiện diện trong tất cả. Học cách ở trong mọi không gian với tấm lòng biết ơn và trắc ẩn. Hòa mình và tuôn chảy theo cùng với tất cả, đan cài Sthira và Sukha vào mọi hoàn cảnh sẽ nâng cao trải nghiệm cuộc sống của chúng ta, tạo không gian để chúng ta thấu hiểu hơn về con người của chính mình.
(Theo Ekhartyoga.com. Yogadaily dịch)
Leave a Reply