Satya là điểm thực hành thứ hai trong Yamas. Satya có nghĩa là sự thật, bản chất thật. Trong từ Satya có từ “Sat” ta hay gặp trong Satsang (bầu bạn thật sự) hay Sattva (sự tinh khiết). Vậy Sat có nghĩa là sự thật hay sự tinh khiết. Một người Yogi rất cần thực hành Satya là sự chân thật.
Trong thế giới hiện đại ngày nay, chúng ta hay dùng từ “sống thật”. Vậy “sống thật” này có đúng với ý nghĩa của Satya hay không?
Nếu như “sống thật” được hiểu 1 cách hời hợt, lệch lạc là sống theo sở thích, cảm xúc nhất thời, sống theo bản năng, sống cá tính mà không cần quan tâm cảm nhận của người khác, hay luôn cố thể hiện quan điểm, cái tôi cá nhân của mình mà không tôn trọng người khác thì đó không phải là Satya. Vì khi thực hành Satya không chỉ thực hành sự chân thật với chính mình mà còn thực hành sự chân thật với người khác. Và cuối cùng cả 2 sự chân thật này phải dẫn đến sự hòa hợp. Hòa hợp với chính mình, hòa hợp với người xung quanh và hòa hợp với thế giới.
Vậy cần thực hành Satya như thế nào? Chúng ta có thể xem xét thực hành Satya trong 3 khía cạnh: thực hành sự chân thật với chính mình, thực hành sự chân thật trên thảm tập và thực hành sự chân thật trong các mối quan hệ
1. Thực hành sự chân thật với chính mình
Trong các bài giảng về Triết lý Yoga cho các học viên Khóa Đào tạo HLV Yoga, tôi thích nhất là bài học về 12 quy luật vận động tâm trí. Trong đó có 1 quy luật nói rằng “Tâm trí như một phụ nữ e thẹn, nó hay giấu mình”. Chính sự giấu mình của tâm trí này khiến người ta có những biểu hiện “không thật với chính mình”. Những biểu hiện này thường là 1 dạng của việc cố làm hay cố nắm giữ điều gì đó nhiều hơn mức bình thường. Ví dụ như:
- Ăn quá nhiều là sự che đậy của sự thiếu thốn, mất cân bằng về cảm xúc, cô đơn, mất mát
- Nói quá nhiều là sự che đậy của sự lo lắng, không tự tin về chính mình
- Ngủ quá nhiều là sự che đậy của những áp lực, chán nản, và tuyệt vọng
- Làm việc quá nhiều là sự che đậy của khát khao được công nhận, được ngưỡng mộ
- Sở hữu vật chất quá nhiều là sự che đậy của một tâm hồn sợ hãi về thiếu thốn, bất an
- Kiểm soát quá nhiều là sự che đậy của nỗi sợ mất mát, tổn thương
Những lo lắng, sợ hãi, khát khao, mất cân bằng ở bên trong là sự thật mà đã là con người chắc chắn ai cũng đã, đang và sẽ trải qua. Những điều này không có gì tệ hại, hay xấu hổ cả. Nhưng những cách chúng ta đối diện với nó như trên sẽ càng làm cho nó tệ hơn và đưa chúng ta vào 1 cái vòng lẩn quẩn không lối thoát. Một người có thể nắm giữ rất nhiều tiền và quyền lực nhưng chỉ khi đối diện với chính mình, hoàn toàn thành thật với chính mình, anh ta mới nhận ra mình bất hạnh và cô đơn. Tiền bạc có thể mang đến sự đảm bảo đời sống, an toàn, sung sướng, ngưỡng mộ từ bên ngoài nhưng sẽ không thể thay thế được sự bình an, hạnh phúc bên trong. Vì thế một người nhiều tiền thì vẫn bất an.
Thực hành sự chân thật sẽ giúp một người nhận ra những vấn đề của mình, hiểu biết sâu sắc rằng những cách làm cũ không giải quyết được vấn đề mà phải mạnh dạn đi sâu, giải phẫu, đối diện với nội tâm của chính mình, thay thế mô thức hành xử cũ bằng những mô thức mới thì mới có lối thoát và sự chữa lành thật sự.
2. Thực hành sự chân thật trên thảm tập
Khi thực hành sự chân thật (Satya) trên thảm tập, bạn cũng sẽ thực hành được điểm thứ nhất của Yamas đó là Ahimsa (không làm tổn thương). Sự không chân thật trên thảm tập đến khi bạn phớt lờ những tổn thương của cơ thể, những giới hạn của cơ thể, không thật sự lắng nghe tiếng nói bên trong mình cần gì.
Bạn được trao 2 công cụ tuyệt vời để nhận biết về cơ thể của mình. Một là hơi thở và hai là những cảm giác mà bạn cảm nhận được.
Khi hơi thở gấp, hổn hển đó là lúc cơ thể nói với bạn rằng nó đang làm việc quá sức, cơ thể đang không hạnh phúc. Vậy lúc này bạn có tiếp tục hay sẽ thực hiện động tác chậm lại và có ý thức hơn. Khi hơi thở không thông thì cơ thể đang báo cho bạn biết rằng cơ thể bạn đang chất chứa đầy độc tố. Vậy bạn cần làm gì tiếp theo? Khi hơi thở nhanh, dồn dập đó là lúc tâm trí bạn đang hướng ra bên ngoài nhiều, náo động và nhiều ham muốn.
Công cụ thứ hai là cảm giác cũng sẽ cho bạn biết sự thật về cơ thể của bạn. Những cảm giác dễ chịu, khoan khoái trong lúc tập cũng có. Những cảm giác khó chịu, đau đớn, căng tức cũng có. Bạn sẽ luôn nhận ra sự thật về chính mình, những niềm vui, hạnh phúc cũng như những giới hạn, bất an trong quá trình tập Yoga. Vậy quá trình trên thảm tập Yoga là lúc bạn có cơ hội thành thật với chính mình, học cách đề phòng những tổn thương và chữa lành những tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần. Chỉ cần bạn hiện diện, nhận biết và yêu thương thật.
3. Thực hành sự chân thật trong các mối quan hệ
Thành thật với chính mình đã là thử thách. Thành thật với người khác trong các mối quan hệ càng thử thách hơn. Bạn cần có đủ dũng khí, can đảm, hiểu biết và cả lòng trắc ẩn thật sự thì mới có thể thực hành tốt sự chân thật trong các mối quan hệ.
Có một câu nói rằng “Thà thật còn hơn là tỏ ra tốt”. Tôi có 1 trải nghiệm để chia sẻ với bạn. Trước đây, khi còn chưa thực hành Yoga sâu sắc, tôi nghĩ rằng người thực hành Yoga thì lúc nào cũng nên tỏ ra hài lòng, lễ phép, dễ thương, hiểu chuyện, ôn hòa….. Vâng, chính điều này đã khiến cho nhiều mối quan hệ của tôi ngày xưa đã trở nên tệ hại và thậm chí chấm dứt trong tổn thương.
Nếu như tôi “thành thật” hơn ngay từ đầu thì có thể mối quan hệ sẽ được cải thiện tốt hơn. Trong những mối quan hệ này, trước đây tôi luôn tỏ ra hài lòng ngay cả với những điều không thật sự hài lòng về người đối tác, dù là trong công việc, tình cảm, gia đình, bạn bè, chủ nhà,….. Với sự không hài lòng tôi cứ chôn chặt trong lòng và cứ cố tỏ ra mình ổn. Rồi đến một ngày, quả bom được kích ngòi nổ, tôi không thể kiểm soát được cảm xúc, và thế là mọi thứ bung bét tệ hại hơn nữa.
Tôi đã rút ra được nhiều bài học. Đầu tiên tôi đã không thành thật với chính mình, với những cảm giác khó chịu, với những giới hạn về mặt cảm xúc. Sau đó tôi đã không thành thật chia sẻ vì tôi sợ họ nghĩ không tốt về tôi, tôi sợ họ cho rằng tôi là người không hiểu chuyện, tôi sợ họ bỏ đi….. Biết bao nhiêu nỗi sợ khiến tôi đã không đủ dũng cảm thành thật.
Nhưng, may là tôi đã nhận ra và thay đổi bản thân mình. Vì tôi trân trọng những mối quan hệ trong cuộc đời mình. Sự thành thật là nền tảng của tất cả những mối quan hệ. Nhưng thực hành sự chân thật không có nghĩa là bạn cho phép mình làm tổn thương người khác. Satya (thành thật) & Ahimsa (không làm tổn thương) sẽ có sự mâu thuẫn nếu không biết cách.
Khi sự thẳng và thật gây tổn thương ghê gớm đến người khác thì bạn phải suy nghĩ lại cách mình nói, cách mình chia sẻ. Sự thành thật của bạn là vì người khác, vì mối quan hệ tốt đẹp chứ không vì cái tôi cá nhân, ích kỷ của mình. Người xưa có câu: “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Nhưng thuốc đắng phải thật sự là thuốc từ người thầy thuốc có tâm thì bệnh nhân sẽ được cứu chữa. Sự thật phải được thốt ra từ người giàu lòng trắc ẩn, yêu thương, trí tuệ thì người khác dù có khó chịu lúc đầu nhưng cuối cùng vẫn hiểu được bài học sâu sắc.
—————————–
Leave a Reply