Trong các tiết dạy về Triết lý Yoga, mình hay chia sẻ về hạnh phúc. Thế nào là hạnh phúc đích thực và làm sao để có được hạnh phúc này.
Cũng có vài học viên hỏi mình “có nên buông” trong 1 số hoàn cảnh như “công việc đang bị stress”, “vợ chồng bất hòa, không hạnh phúc”… có nên buông để hạnh phúc không?
Thật sự không thể có câu trả lời chính xác 100% cho tất cả mọi người? Mà khi người ta biết về Yoga, thiền hay những môn tương tự như vậy, người ta hay dùng từ buông, rồi buông bỏ, hoặc những khái niệm tương tự như thế.
Thường mình sẽ kể câu chuyện này chứ không khuyên ai cả. Bản thân mỗi người có cách xử lý. Vì không phải buông là bình yên. Trong một số trường hợp, buông không đúng còn tạo nên một cái tôi ảo tưởng, nghĩ là mình bình yên nhưng trong lòng luôn nổi sóng
Câu chuyện kể rằng có 1 Thiền sư hàng ngày trong giờ tham vấn cho các thiền sinh thường nghe những câu chuyện kể khổ của họ. Trong 1 số trường hợp, vị thiền sư nhân từ sẽ đưa ra 1 số câu trả lời bằng cách dùng những hình ảnh. Như có 1 cô gái yêu 1 người con trai sâu đậm nhưng không được đáp lại tấm chân tình nên trở nên đau khổ, bế tắc, héo mòn, hỏi thiền sư phải làm sao bây giờ. Thiền sư bảo cô gái cầm tách trà lên, rồi đổ trà rất nóng vào tách, thiền sư cứ đổ cứ đổ đầy tách đến khi nước trà tràn ra ngoài rớt vào tay cô gái. Cô cố chịu đựng vẫn cầm tách đến 1 lúc sau nóng quá, cô đành phải buông tách trà rơi xuống đất. Lúc này cô thấy thật sự nhẹ nhõm, tay hết nóng, hết bị đau. Cô ấy tìm được câu trả lời cho mình.
Cũng vị thiền sư ấy, 1 ngày nọ có 1 nam thanh niên đến tham vấn. “Công việc của con đang bị bế tắc, con nỗ lực thức khuya dậy sớm, làm việc nhiều giờ liền rất căng thẳng, mệt mỏi mà không thấy chút kết quả nào khả quan, có nên buông không?” Vị thiền sư cũng làm như cách với cô gái. Cho chàng trai cầm tách trà và đổ nước trà nóng vào cho đến khi tràn ra ly. Tay chàng trai rất nóng, vị thiền sư cứ đổ trà. Chàng trai quyết chí không buông tách trà dù nước có nóng cỡ nào. Nhiều phút trôi qua vị thiền sư thấy chàng thanh niên vẫn giữ như vậy, và từ từ chuyển từ trạng thái căng thẳng sang trạng thái bình tâm như vại mặc dù nước trà vẫn làm nóng tay. Cuối cùng thiền sư không đổ nữa và tách trà vẫn nằm trên tay chàng thanh niên.
Vì thế, hãy hiểu đúng về từ buông. Tập Yoga & thiền đúng không đảm bảo cho bạn sự bình yên, hay hạnh phúc mà cho bạn trí tuệ và sự bình tâm. Trí tuệ giúp bạn biết cái gì cần buông, cái gì không. Và sự bình tâm giúp bạn đối diện với sự thật cuộc sống và sẵn sàng chiến đấu với cuộc đời bằng 1 cái tâm không dính mắc cho dù bạn có buông hay không buông 1 mục tiêu nào đó.
Nhưng trên đời này làm gì có người không có 1 mục tiêu nào. Cho dù là mục tiêu đi ngủ sớm cũng là 1 mục tiêu.
Yoga & thiền không dạy ta phải buông bỏ mục tiêu. Vì việc buông bỏ mục tiêu k đảm bảo sự bình yên. Nếu thật sự muốn điều gì đó, hãy hành động hết mình để có được. Chỉ đừng vướng mắc vào kết quả thôi, tối về nhớ ngủ ngon. Trong nhiều trường hợp, khi chiến đấu hết mình để có được điều mình muốn mà cuối cùng không đạt được thì bạn cũng sẽ nhận ra một bài học rất lớn để tự bản thân hiểu thế nào là “hạnh phúc”
Nên nếu thấy mình vẫn chưa nỗ lực đủ vì 1 mục tiêu nào đó, thì đừng buông vội! Tiếp tục tiến về mục tiêu, nhưng hãy hiểu rõ giúp mình, bạn không thay đổi mục tiêu nhưng hãy liên tục học để thay đổi cách thức thực hiện. Như trong trường hợp cô gái trên kia, cô vẫn có thể yêu, không yêu người này nữa thì học cách yêu người khác, tình yêu cũng phải học sao để yêu mà không làm mình hay đối tác tổn thương. Trong công việc cũng thế, khi thức khuya dậy sớm 1 thời gian dài mà không hiệu quả, thì hãy học để thay đổi cách thức làm việc hiệu quả hơn
Om Shanti!
Leave a Reply