Đầu tiên, phải chia sẻ chút về Yoga cổ điển là gì? Và Yoga hiện đại là gì?
Nếu tính về thời gian, để phân biệt cổ điển và hiện đại thì đơn giản. Thời điểm nào càng xa bây giờ là gần về cổ điển, còn càng gần bây giờ là hiện đại. Cột mốc của Yoga cổ điển là thời kỳ Yoga của Patanjali cách nay khoảng 2500 năm. Trước đó là trước cổ điển, sau đó là sau cổ điển hoặc có thể gọi là cận hiện đại và hiện đại. Điểm chuyển giao của thời kỳ cổ điện và hiện đại là sự phát triển vượt bậc của nhánh Hatha Yoga (Yoga hướng tập trung vào Asana, Pranayama, Mudra & Bandha để kiểm soát tâm trí).
Vậy, thời kỳ Yoga của các vị Thầy lớn của thế giới như Thầy Sivananda (1887 – 1963) (Sivananda Yoga), Knisnamacharya (Ashtanga Yoga) thuộc thời kỳ Yoga hiện đại. Vẫn còn nhiều trường phái Yoga khác cũng phát triển giai đoạn này nhưng vì đây là 2 trường phái phổ biến ở Việt Nam nên mình giới thiệu. Bản thân mình là giáo viên Yoga 500 giờ được đào tạo bởi hệ thống Sivananda Yoga. Có thể khẳng định, dù là 2 trường phái Yoga khác nhau, nhưng 2 vị Thầy lớn này luôn được thế giới ngưỡng mộ và biết ơn vì đã truyền bá thành công Yoga đến cho thế giới hiện đại Phương Tây, đánh dấu giai đoạn Yoga đến gần hơn với cộng đồng dân chúng. Ngày nay, người người tập Yoga, nhà nhà tập Yoga.
Được biết đến ở thời hiện đại, nhưng tại sao đa phần mọi người ngày nay nhận định rằng Sivananda Yoga hay Ashtanga Yoga là YOGA CỔ ĐIỂN. Vì dù phát triển trong thời kỳ hiện đại nhưng phương pháp của 2 dòng Yoga truyền thống này được làm nổi bậc với những điểm mang tính cổ điển như: triết lý dựa theo 8 nhánh của Yoga gồm luyện đạo đức & lối sống (Yama & Niyama), luyện thân (Asana), luyện khí (Pranayama), luyện sự tập trung & thiền định (Pratyahara, Dharana, Dhyana) và cuối cùng hướng đến sự giải thoát linh hồn (Samadhi).
Thầy Vishnu Devananda – vị đệ tử thông thái và đánh kính của thầy Sivananda đã đúc rút lại toàn bộ kiến thức khổng lồ của Yoga cổ điển với hệ thống khoa học và toàn diện của 5 điểm Yoga gồm: Hít thở đúng – Tư thế đúng – Thư giãn đúng – Dinh dưỡng đúng – Tư duy tích cực & Thiền định. Hệ thống dễ tiếp cận với đại đa số mọi người. Có thể nói cách làm của Thầy rất hiện đại.
Người Phương Tây đã rất biết ơn nền tảng thực hành 5 điểm Yoga này vì đã giúp họ có phương pháp đúng để có sức khỏe toàn diện và kiểm soát được stress thời hiện đại. Nên, nếu ai chưa nắm rõ về các thời kỳ Yoga nhưng hiểu cách thực hành thì vẫn xem Sivananda Yoga hay Ashtanga Yoga là Yoga cổ điển. Đặc biệt, Sivananda Yoga nổi lên là điển hình sâu sắc nhất của dòng Yoga cổ điển vì nền tảng triết lý của họ còn đi sâu hơn vào triết lý Vedanta (kinh Vệ Đà) và hướng học trò thực hành Yoga 1 cách cân bằng cả 4 con đường Raja & Hatha, Bhakti, Karma và Jnana.
Tiếp theo, khái niệm YOGA HIỆN ĐẠI theo quan sát, mình thấy có 1 số suy nghĩ theo hướng như là: tập Yoga không quan trọng hơi thở, thư giãn, thiền định mà chỉ tập trung làm tư thế cho đẹp để show-up trên các phương tiện xã hội, rồi không hướng đến đạo đức, lối sống, ăn thực vật, phô diễn Asana và hình thể là chính, rồi các cuộc thi để đạt thành tích trong Yoga. Một vài HLV Yoga còn kịch liệt phản đối Yoga hiện đại. Mình biết được điều này vì quá trình giảng bài về lịch sử Yoga trong khóa Đào tạo HLV Yoga của Yogadaily, khi đề cập đến Yoga hiện đại có nhiều bạn học viên hỏi mình rằng có phải Yoga hiện đại là hướng đến sự biểu diễn phô trương hình thể, vóc dáng hay không? Mình khẳng định đây là cách hiểu sơ sài.
Vậy khái niệm YOGA HIỆN ĐẠI cần được hiểu đúng là cập nhật để phù hợp với con người, phong cách sống của thời hiện đại nhưng vẫn mang lại lợi ích trọn vẹn của cái gốc Yoga. Đó là mang đến điều tốt đẹp, an lành cho cả thân, tâm, trí. Ví dụ, yoga hiện đại từ sau khi các đệ tử của thầy Sivananda, Krisnamacharya mang Yoga đến thế giới phương Tây, thì hướng tiếp cận của một số người phương Tây bắt đầu tập trung vào tìm hiểu kỹ hơn, bài bản hơn về GIẢI PHẪU HỌC, CƠ THỂ HỌC để ứng dụng vào việc tập luyện Yoga được an toàn, hiệu quả và tốt cho cơ thể của họ, lối sống của họ. Bạn cần hiểu rằng cơ thể người phương Tây mang tính dương nhiều (các khớp cứng, không linh hoạt bằng người phương Đông), lối sống của họ thì xu hướng nhanh, tập trung vào mục tiêu, hiệu quả công việc, phát triển bản thân.
Có thể kể đến những đại diện tiêu biểu của hướng tiếp cận hiện đại này Anusara Yoga, YogaWorks và nổi lên gần đây nhất là Inside Flow…. Các trường phái Yoga hiện đại này mình đều đã được học (Anusara là học 1-1 với HLV coach, YogaWorks là tham gia chương trình TTC200hrs, Inside Flow tham gia TTC90hrs), lần đầu tiên thấy bỡ ngỡ và rối rắm là do bản thân mình chưa đủ thời gian ngấm. Nhưng rõ ràng sau 1 thời gian tập luyện và dạy, mình thấy quá hay và hiệu quả. Cho đến bây giờ, cơ thể mình có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực như mình mong muốn như vững vàng, mạnh mẽ và ổn định là nhờ vào cách tập này. Quá trình này cũng đã dạy cho mình thật sự bỏ cái tôi đi. Vì cái tôi lúc đó của mình là đã luyện tập 10 năm 1 dòng Yoga cổ điển thì những cái mới này cũng chẳng giúp ích gì, chỉ là thức thời thôi. Nhưng mình thấy nhận định lúc đó của mình chưa đúng.
Những dòng Yoga hiện đại này họ có dạy TRIẾT LÝ không? Có chứ. Nhưng cách dạy cũng mới, không dài dòng, lòng vòng, trừu tượng mà trực tiếp, ứng dụng đời sống cao và đi thẳng vào vấn đề. Cách dạy triết lý này mình thấy rất hay, hiệu quả. Các bài triết lý họ dạy vẫn bám vào cái gốc của Yoga là 8 nhánh Yoga và định nghĩa Yoga trong Yoga Sutra: Yoga nirodha chitta vritti (Yoga là sự kiểm soát tâm trí tầng bản năng, tiềm thức). Quan niệm của họ là ALIGN YOUR BODY – ALIGN YOUR LIFE (Hiểu nôm na là cơ thể thẳng hàng thẳng lối thì cuộc đời bạn cũng rõ ràng, mọi thứ đâu vào đó) .
Vậy rõ ràng, mục tiêu của Yoga hiện đại không phải là sự phô diễn sức mạnh cơ thể mà chính là tinh thần, cảm xúc, tâm linh và cuộc sống. Nhưng để đạt được một sự vững vàng, tự tin và hòa hợp thì phải luyện tập qua bước trung gian là cơ thể. Dẫn dắt người tập từng bước hướng vào bên trong thông qua các điểm tập trung ban đầu là canh chỉnh thẳng hàng của cơ thể. Đây chính là phương pháp của Hatha Yoga cổ điển đó thôi (dùng cơ thể là phương tiện để kiểm soát tâm trí). Vinyasa Yoga (asanas đi theo chuỗi) của Yoga hiện đại cũng xuất phát từ cái gốc Hatha Yoga.
Đặc biệt, Inside Flow được xem là cuộc cách mạng của Vinyasa. Họ dùng âm nhạc, beat nhạc để hướng người tập vào sự tập trung cao độ, giúp cảm xúc tích cực và thăng hoa. Yoga cổ điển vẫn có con đường Bhakti Yoga là chuyển hóa cảm xúc bằng âm nhạc Kirtan (hát lên âm nhạc của đấng linh thiêng) đó thôi. Điểm khác ở đây, Inside Flow dùng âm nhạc hiện đại, Kirtan dùng nhạc Mantra cổ điển. Nhưng dù là nhạc gì thì mục đích vẫn là chuyển hóa cảm xúc theo chiều hướng thuần khiết và tốt hơn. Một người được đào tạo bài bản Inside Flow sẽ được dạy về cách chọn nhạc rất kỹ. Những bản nhạc phải tích cực, phải giúp tinh thần con người mạnh mẽ, vượt qua được thử thách và kết nối với hạnh phúc, tình yêu thương. Chứ không phải những bản nhạc ủy mị, buồn thương và kéo tinh thần vào sự bế tắc.
Vì sao, ngày nay, nhiều người luyện tập Vinyasa hơn Hatha vì nó phù hợp với lối sống hiện đại. Vinyasa không dừng lại quá lâu ở một tư thế như Hatha Yoga. Vinyasa buộc họ phải luôn trong sự chuyển động nhưng phải tỉnh thức biết mình đang đi đâu, làm gì, khi nào cần dừng lại, khi nào cần đi tiếp. Để làm được điều này, dù trong trạng thái chuyển động liên tục nhưng họ vẫn phải ý thức hơi thở nên nguyên lý về hít thở đúng trong Vinyasa vẫn luôn được chú trọng. Còn có những hình thức Yoga hiện đại khác như Yoga phục hồi, Yin Yoga sẽ giúp cho con người thời hiện đại dễ dàng tiếp cận hơn với trạng thái tĩnh tại như thư giãn tĩnh, thiền. Vậy sẽ vô cùng sai lệch khi khẳng định rằng Yoga hiện đại không chú trọng vào thở, thiền, thư giãn, tư duy & lối sống tích cực.
Đâu phải cái gì cổ điển cũng tốt hơn. Có những cái cổ điển cứ ôm khư khư vào, không mở lòng học hỏi hay phủ nhận, phản đối những cái mới mà chưa biết rõ nào thế nào thì dù đang thực hành Yoga cổ điển nhưng tâm không hề bình an vì có sự bám chấp, sở hữu, sân-si. Cái từ hiện đại thường hay bị gắn mác sai lệch nhưng phải hiểu hiện đại là khoa học, cập nhật với thời đại nhưng vẫn mang nhiều lợi ích rất tốt đẹp khi thực hành đúng.
** TRỞ LẠI THẮC MẮC “CHỌN YOGA CỔ ĐIỂN HAY HIỆN ĐẠI”, với quá trình đã trải nghiệm Yoga hơn 10 năm qua nhiều thể loại từ rất cổ điển (Ananda Marga, Sivananda, Ashtanga) đến rất hiện đại (YogaWorks, Anusara, Inside Flow, Yoga phục hồi, Yin Yoga, Vinyasa), mình có thể chia sẻ và đưa ra lời khuyên với góc nhìn cá nhân thế này:
– Mục tiêu đúng của Yoga không có phân biệt cách thức cổ điển hay hiện đại. Mục tiêu cuối cùng của Yoga là tâm trí bình an, tâm hồn hạnh phúc, phát triển tình thương thuần khiết. Và sản phẩm phụ rất tuyệt vời của Yoga là cơ thể khỏe mạnh, sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, vóc dáng cân đối, ngoại hình tươi trẻ, duyên dáng, tràn đầy sức sống…
– Yoga trải qua hàng ngàn năm sẽ có nhiều con đường, nhiều phương thức tiếp cận. Nên về phương thức có thể chia ra cổ điển, hiện đại. Hai khái niệm này cần phải hiểu đúng về nó. Không nên nghĩ rằng Yoga cổ điển là tốt hơn, hay hiện đại mới là nhất.
– Cuối cùng cổ điển hay hiện đại cũng chỉ là tương đối thôi. Quan trọng là phương thức đó có thật sự giúp ích cho mình, đáp ứng được nhu cầu chân chính của mình về sức khỏe và tâm trí không.
– Nếu thể loại nào giúp cho mình thì mình luyện tập, ở lại với nó đủ lâu để nhận hết giá trị, với cá nhân mình là ít nhất 1 năm luyện tập đều đặn (mỗi tuần 3-4 buổi). Khi nhu cầu thay đổi thì thể loại Yoga cũng có thể thay đổi nhưng vẫn có thể tập luyện cái cũ, song song cái mới.
– Nếu thể loại đó chưa phù hợp và không đáp ứng nhu cầu hiện tại, thì tiếp tục tìm kiếm với sự chân thành, cởi mở.
– Những dấu hiệu thấy một loại Yoga nào đó phù hợp với mình: thích tập, khỏe hơn trước khi tập, tập lâu không bị các chấn thương như đau lưng, đau khớp…, tâm trí tích cực từng ngày, bớt sân – si, mở lòng hơn, bao dung hơn, nhìn sự việc với nhiều góc nhìn tích cực, cuộc sống tốt đẹp hơn…..
*Bài viết được trích ra từ 1 phần trong bài giảng Lịch sử – Triết lý Yoga do mình hướng dẫn trong Khóa Đào tạo HLV Yogadaily. Bạn có thể tìm hiểu về khóa học tại LINK này: https://huan-luyen-vien-yoga.yogadaily.vn/
Leave a Reply