Rất nhiều huấn luyện viên Yoga e ngại truyền đạt những kiến thức khác lạ trong lớp học cho học viên bởi suy nghĩ rằng có thể học viên không muốn học những kiến thức mới này. Một số học viên muốn tập luyện căng giãn và sức mạnh mà không thích học những điều sâu sắc về nội tâm. Ngược lại một số học viên thích tìm hiểu về tâm hồn mà không thích thử thách với cường độ bài tập thể chất cao hơn. Thường thì những điều học viên không thích hay không muốn lại là điều họ cần học để đạt được sự cân bằng.
Học viên thường gắn kết vào một thể loại yêu thích của họ, hay có thể hiểu đây là điều học viên muốn. Điều này có thể giúp học viên ban đầu đến với Yoga rất tốt. Nhưng sự gắn kết này về lâu dài có những điều bất lợi cho học viên. Dù biết điều này, nhưng trong thị trường dạy Yoga cạnh tranh ngày nay, các HLV Yoga cũng ngần ngại phải dạy những điều mà học viên không muốn nhưng lại cần cho họ. Vì HLV lo sợ có thể bị mất học viên. Sự lo sợ này ảnh hưởng không tốt đến trạng thái bình tâm và rõ ràng khi giáo viên quyết định nên dạy gì và dạy như thế nào.
Những lớp học Yoga hiện đại thường có học viên mới và học viên cũ được sắp vào cùng 1 lớp học. Vì thế, ở nhiều lớp học, hiếm khi nào có giáo án rõ ràng tập trung vào 1 mục tiêu và có tính phát triển thêm từ bài học trước. Sự đa dạng của học viên về khả năng thể chất, mong đợi và sở thích này yêu cầu sự sáng tạo khi tiếp cận và sẵn lòng buông bỏ những kỳ vọng cũng như một kết quả nhất định nào đó từ phía Huấn luyện viên.
Là một HLV Yoga, bạn cũng cần nhìn nhận bản thân như một nhà đào tạo. Nghĩa là sẽ luôn sẵn lòng điều chỉnh cách tiếp cận dù rằng có thể bạn đã và đang có một phương pháp an toàn.
NHỮNG CÁCH SAU ĐÂY LÀ GỢI Ý ĐỂ GIÚP BẠN CÂN BẰNG GIỮA ĐIỀU CẦN VÀ MUỐN CỦA HỌC VIÊN.
Hãy hiểu về cộng đồng Yoga nơi bạn dạy. Nếu như bạn huấn luyện tại một Trung tâm mà phần lớn các học viên đều thích những bài tập thiên về thể lực, đầy năng lượng, sức nóng, họ rất mạnh mẽ, muốn đạt thành tích cao và có tinh thần thể thao thì bạn sẽ khó có thể thuyết phục họ về lợi ích của những bài tập về hơi thở, thư giãn cũng như phục hồi thiên về làm mát và nghỉ ngơi.
Những học viên này thường được Yoga định nghĩa là những người có năng lượng Rajas cực kỳ mạnh (Rajas là nguồn năng lượng động, mang tính dương, luôn hướng lên, quyết đoán và thay đổi). Nếu như một lớp học diễn ra quá chậm với năng lượng Tamas hướng xuống (Tamas là năng lượng âm, tĩnh, đi xuống, trì trệ) thì nhiều khả năng còn làm kích hoạt thiên hướng Rajas bên trong của họ nhiều hơn. Họ có thể trở nên bực mình, cáu bẳn và bồn chồn không yên trong 1 tư thế thư giãn quá lâu. Theo kinh nghiệm thì huấn luyện viên không cần ngay lập tức áp chế năng lượng hay tiềm năng tự nhiên của học viên, điều này không thật sự tốt như chúng ta nghĩ. Bản thân mình thường hướng dẫn một lớp Yoga cơ bản có nhiều học viên Rajas. Khi hướng dẫn kỹ thuật vào đầu đứng, họ dường như không muốn nghe nói quá nhiều mà muốn nhảy vào làm ngay. Họ có thể bị té lộn nhào vài lần, nhưng ngay lập tức sẽ thực hiện lại cho đến khi nào được mới thôi. Điều mình có thể làm lúc đó không phải nói họ hãy dừng lại hay cứ bình tâm mà cứ để họ làm, theo dõi họ để đảm bảo họ được an toàn mà thôi. Họ làm cho được dù có té lên té xuống. Họ chỉ nghỉ khi giáo viên yêu cầu tất cả trở về thư giãn em bé, nhưng cảm giác lúc đó họ vẫn như chưa thỏa mãn. Hoặc khi họ đã chinh phục được tư thế. Mình để ý ở trường hợp thứ hai, khi học viên chinh phục được thế rồi, họ tự động quay về trạng thái nghỉ ngơi, tạm thời dừng lại. Lúc này họ cảm thấy thỏa lòng hơn. Và đó cũng là lúc họ nhận lợi ích từ thư giãn như bạn muốn. Vậy ý tưởng ở đây là đối với học viên Rajas hãy để họ thể hiện thông qua các bài tập mang tính thử thách nếu đó là điều họ muốn để khai thác được nguồn năng lượng mạnh mẽ. Bạn chỉ cần ở đó, dẫn dắt họ những kỹ thuật an toàn. Khi năng lượng được giải phóng qua các bài tập thử thách thì tự khắc họ sẽ thư giãn, đó là cách mà bạn muốn họ thực hiện.
Khi bạn hướng dẫn một chuỗi tư thế hay kĩ thuật mạnh mẽ và rõ ràng, bạn có thể giúp những học viên Rajas của mình giải phóng được năng lượng cơ thể cũng như là sự cẳng thẳng của trí óc. Đối với học viên đã trở nên quen thuộc với các bài tập bạn đưa ra trước đó, để giúp học viên thật sự tập trung, bạn hãy sử dụng chuỗi động tác có nhiều tư thế biến thể khác nhau để tránh việc học viên cảm thấy nhàm chán và đi trước bài tập trong 1 trạng thái xao nhãng. Họ có thể đang tập nhưng lại đang nghĩ về việc gì khác vì bài tập đã quá quen thuộc và trở nên dễ dàng hơn với họ. Các thể loại Yoga hiện đại như Hatha hiện đại, Vinyasa, Power, Inside Flow Yoga…. có thể phù hợp với họ.
Các chương trình Đào tạo HLV Yoga cần giúp học viên cách nhận biết học viên Yoga của mình
Cuối cùng, bạn nên kiểm soát thời gian thật kĩ để giúp cho học viên có thể hoàn thành chuỗi động tác và thả lỏng thư giãn thật kỹ sau mỗi chuỗi. Bạn có thể thêm vào những kĩ thuật hơi thở (Pranayama) để cân bằng năng lượng và làm mát trước khi thực hiện thư giãn Savasana.
Ngược lại, cũng có những lớp học hoặc trung tâm mà học viên đến với Yoga mục đích để thư giãn cơ thể và tâm trí là chính. Những học viên này cũng sẽ dễ dàng đón nhận những kiến thức mang tính chất nội tâm. Đồng thời họ cũng không ưa thích việc tập những chuỗi bài tập quá năng động, mạnh mẽ và cần dùng nhiều sức. Đôi khi họ không thích quá nhiều bài tập Asana hay những hướng dẫn thiên về kỹ thuật để làm mạnh các cơ bắp. Yoga định nghĩa các học viên này có xu hướng Tamas (ổn định, có thể trì trệ, năng lượng hướng xuống). Tôi thuộc vào dạng học viên này trong hơn 5 năm đầu đến với Yoga. Tôi thích những thể loại Hatha cổ điển nhẹ nhàng, giữ lâu, thích học triết lý, thiền, và cảm thấy không thoải mái tý nào khi tập những bài Hatha thiên về định tuyến hay Vinyasa quá năng động. Kết quả đôi khi tôi thấy mình có chút “yếu đuối” từ trong cả thân và tâm. Nhưng bây giờ khác rồi, sau nhiều năm huấn luyện bản thân cần làm những điều mình không thích, ngay cả việc tập luyện, tôi cảm thấy hài lòng với kết quả hiện tại. Đó là tập luyện cân bằng ở những môn mình muốn và cần để có sự cân bằng cho cơ thể và tâm trí. Nghĩa là khi nào cần mạnh mẽ thì rất mạnh mẽ. Khi nào cần thư giãn, yên bình, sâu lắng vào bên trong thì vẫn dễ dàng.
Đối với những học viên Tamas, HLV không cần phải tạo thử thách về thể chất và tạo sức nóng cho họ vào thời gian đầu nếu bạn không muốn họ bỏ chạy xa bạn. Tôi còn nhớ ngày xưa, hễ mỗi lần tôi đi đến học lớp Yoga nào mà bắt tôi chuyển hết từ thế đứng này đến thế đứng kia, thì trong lớp học mọi người sẽ dễ nhận ra tôi như một con mèo lười, chuyển động chậm chạp và uể oải qua các tư thế đứng. Từ kinh nghiệm này, tôi nghĩ hãy để những học viên Tamas cảm thấy an toàn, 1 chút thoải mái nhất định hoặc cũng có thể không có bất kỳ áp lực nào ít nhất là lần đầu tham gia lớp của bạn. Điều này đòi hỏi HLV phải có khả năng quan sát, nhình nhận học viên, lên hoặc điều chỉnh một giáo án phù hợp. Các bài tập Hatha Yoga cổ điển thiên về tập chậm, giữ lâu, có nhiều tư thế nằm, ngồi hơn các thế đứng có thể phù hợp với họ lúc đầu hơn. Hoặc khi họ chuyển động trong các tư thế thì những chuyển động cần nhẹ nhàng, thư thái, không quá phức tạp và mạnh mẽ. Hãy cho họ sự nghỉ ngơi, thư giãn thông qua các bài tập Yoga phục hồi với dụng cụ, hoặc Yin Yoga. Tuy nhiên, khi nào thấy họ đã đủ mạnh mẽ và cứng cáp, hãy từng bước đưa vào các bài tập thử thách vừa phải nhưng vẫn đảm bảo có các bài tập cân bằng như thở, thiền, thư giãn phục hồi. Học viên Tamas như tôi ngày trước thích nghe về những khía cạnh tâm hồn sâu sắc, hãy thử bắt đầu buổi học bằng 1 triết lý nào đó cũng là 1 cách.
Một lớp học Yin & Yoga phục hồi tại Yogadaily
Trong khóa Đào tạo Huấn luyện viên Yoga, tôi cũng thường chia sẻ với học viên của mình cách làm sao để nắm bắt được năng lượng cũng như mong muốn của học viên để cho học viên điều họ muốn đồng thời cũng giúp học viên nhận ra điều họ cần . Và điều quan trọng là bạn cần am hiểu vài thể loại Yoga đủ để giúp được cho học viên. Điều này đối với HLV Yoga mới quả là thử thách, nhưng bạn sẽ được hướng dẫn các bước để rèn luyện được trong chương trình Đào tạo 200h-300h.
Hãy nêu lên những lợi ích và chỉ ra những điều có thể họ chưa biết, dĩ nhiên bao gồm những chi tiết mà bạn nghĩ rằng sẽ khiến học viên hứng thú. Trong tư thế Thiên nga ngủ hãy để phần trán của học viên tựa lên mút hỗ trợ để tránh việc đầu và vai của học viên sẽ bị cụp xuống gây co rút những nhóm cơ vai gáy. Đây cũng như thói quen không tốt trong sinh hoạt hàng ngày khi chúng ta dùng điện thoại hoặc máy tính. Mút hỗ trợ giúp cơ thư giãn và các đốt sống cổ được nâng đỡ an toàn.
Mút hỗ trợ được xem như là 1 phần của tư thế chứ không phải là một lựa chọn như bao người nghĩ. Song vẫn có học viên không muốn dùng mút hỗ trợ như vậy sẽ gây những áp lực không tốt cho cơ thể của học viên. Vậy nên khi học viên vào tư thế huấn luyện viên hãy chia sẻ quan điểm của mình và nêu dẫn chứng cho lý luận của mình tới cả lớp học. Nếu như học viên không muốn dùng mút hỗ trợ thì huấn luyện viên không cần áp lực phải thay đổi tâm trí họ ngay mà hãy chuyển năng lượng của mình cho các học viên khác. Phần học viên họ sẽ biết cách tự thích nghi trong tư thế. Và cùng có thể họ cũng sẽ thử những đề xuất của bạn cho những lần tập sau.
Huấn luyện viên hãy sử dụng thời gian cho lớp học của mình 1 cách sáng tạo hơn. Nếu như phải dừng lớp giữa chừng để bạn có thể làm mẫu mà làm bạn không thoải mái thì hãy đưa những phần làm mẫu cho học viên lên đầu buổi học. Có nhiều cách để mở đầu và kết thúc 1 lớp học Yoga. Bạn có thể mở và kết lớp học bằng một triết lý Yoga. Hoặc cũng có thể bằng những kỹ thuật về hơi thở, những nguyên tắc về định tuyến hay những phương pháp tập luyện.
Tôi cũng hay hướng dẫn học viên nhắm mắt lại trong lúc luyện tập (nếu như học viên thấy an toàn). Bạn cũng biết, dù giờ đây, tôi có thể tập đa dạng nhiều thể loại, nhưng tận sâu bên trong tôi vẫn yêu thích vô cùng thể loại thiền tĩnh lặng sâu, và dĩ nhiên với những Asana tập chậm giữ lâu tôi cũng xem như 1 hình thức thiền trong tư thế. Vì lý do đó mà tôi cho rằng nhắm mắt lại khi tập sẽ giúp nhận nhiều lợi ích từ nội tâm hơn. Tôi cũng nhận thấy rõ, một số học viên nhất là học viên Rajas họ không thể nhắm mắt khi tập. Và bạn cũng cần biết 1 số người khi nhắm mắt lại họ không cảm thấy an toàn từ bên trong. Vì thế, tôi cũng chẳng thể nào bắt họ nhắm mắt. Tôi chỉ gợi ý và nói lên lý do vì sao ngày nay người ta dễ bị phân tâm, mất tập trung. Vì các giác quan dễ dàng bị thu hút khi mắt thấy, tai nghe…những điều xung quanh từ gia đình, xã hội và từ quảng cáo, truyền thông,… Nhưng Yoga có cách giúp các giác quan này được thu rút vào (Pratyahara) và tâm trí vì thế sẽ dễ dàng tập trung, yên bình hơn. Và nhắm mắt là 1 cách để luyện Pratyahara
Thực hành Pranayama (thở), thiền và Pratyahara (thu rút giác quan) trong lớp HLV Yoga
Sự thay đổi cần trải qua một quá trình dài, từng chút một. Nếu như bạn đã từng hỗ trợ chỉnh sửa tư thế cho học viên và nhận thấy rằng cơ thể của học viên phải hoạt động quá giới hạn để thực hiện những chỉnh sửa đó thì bạn đã vô tình ép cơ thể của học viên quá mức.
Có một số học viên chỉ tập một buổi trong tuần chỉ để giữ những hoạt động nhất định cho cơ thể, thư giãn đầu óc và giảm căng thẳng. Là huấn luyện viên bạn phải hiểu rõ một hoặc một chuỗi động tác trước khi bạn huớng dẫn cho học viên của mình. Những gì bạn truyền đạt cho học viên của mình nên phù hợp khả năng cũng như kinh nghiệm của họ. Bạn phải tập chấp nhận rằng mục tiêu hay mong muốn của bạn không phải lúc nào cũng trùng khớp với học viên.
Cần có một khoảng thời gian thậm chí cả năm để học viên có thể tiếp thu được hết những kiến thức mà bạn truyền đạt. Vì vậy mục tiêu giúp cho học viên có thể hòa nhập hoàn toàn với Yoga là một quá trình dài.
Hãy cân bằng những kiến thức bạn truyền đạt bằng những dẫn chứng của cá nhân và cả về mặt khoa học, cuối cùng hãy để cho kinh nghiệm của mỗi người tự mở ra
Mỗi huấn luyện viên có cách truyền đạt đến học viên khác nhau. Có những lúc kinh nghiệm và quan điểm của cá nhân HLV về một vấn đề sẽ giúp cho học viên dễ hiểu hơn. Ví dụ, khi huấn luyện viên nói rằng: “Pranayama (kỹ thuật hít thở) là vô cùng tuyệt vời với tôi vì nhờ có luyện tập hít thở tôi đã trải qua giai đoạn khó khăn và những nỗi buồn tủi khi vừa ly dị chồng và nuôi con một mình. Tôi như được tiếp thêm năng lượng và cảm nhận có nguồn lực hỗ trợ sức mạnh cho tôi.” Ngược lại nhiều lúc bằng việc nêu lên những dẫn chứng khoa học cụ thể thì bạn sẽ giúp cho học viên nắm rõ được lợi ích. Ví dụ, bạn có thể nói: “Theo một nghiên cứu của Đại học Harvard, việc thiền định mỗi ngày 15-30 phút rất tốt cho việc tăng cường sự tập trung và trí nhớ của não bộ.”
Cả 2 phương pháp truyền đạt trên đều hữu dụng nhưng mọi thứ vẫn tuỳ thuộc vào học viên lựa chọn tiếp thu được cách nào tốt hơn. Vì vậy giúp cho học viên tìm được cách tập luyện và tiếp thu hiệu quả là việc làm rất quan trọng của huấn luyện viên. Sau đó, bạn hãy tạo không gian và thời gian đủ cho học viên có thể vận dụng những kiến thức đó để mở ra kinh nghiệm của chính họ.
Hãy tiết chế việc luôn đưa những tư thế mới nâng cao vào bài tập với mục đích tăng tính sáng tạo cho buổi tập. Hãy luôn đảm bảo rằng học viên của bạn đủ bình chứa để tiếp thu cái mới. Bình chứa đó là khả năng bao gồm cả về cơ thể vật chất và cơ thể năng lượng, tâm trí của học viên. Còn nhiều cách để bạn có thể áp dụng để tránh nhàm chán. Chia sẻ những triết lý ứng dụng vào đời sống, giải phẫu học, tư thế đỉnh và cách thiền định. Vì thế, không nhất thiết phải gây sức ép lên học viên bằng những kỹ thuật nâng cao trong khi họ chưa sẵn sàng.
Việc tập luyện các tư thế mà khi cơ thể và trí óc của học viên chưa sẵn sàng sẽ gây những tổn thương không đáng có. Việc làm này có thể làm gián đoạn năng lượng trong buổi tập khiến học viên có thể ko tiếp thu được tối đa.
Hãy đóng thật tốt vai một nhà đào tạo với tất cả lòng trắc ẩn và sự sáng tạo có cân nhắc suy nghĩ. Nếu bạn đưa cho học viên một hỗn hợp các loại hạt và nói họ là rất tốt nhưng không hướng dẫn cách họ sử dụng, chế biến như thế nào thì không phải là cách của nhà đào tạo chuyên nghiệp. Học viên có thể không biết cách dùng thế nào vì thế cũng sẽ không dùng nó. Đòi hỏi nhiều hơn nữa chứ không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin đơn thuần.
Hướng dẫn Yoga là một lĩnh vực rất rộng lớn do đó người huấn luyện viên cần lựa chọn các kiến thức mà mình muốn truyền đạt cho học viên qua từng giai đoạn. Học viên cần nhận được lợi ích cả từ việc bạn hướng dẫn họ những gì cũng như hướng dẫn khi nào và như thế nào. Cân bằng giữa điều muốn và cần của học viên là trí tuệ, bản lĩnh và cả tình yêu thương sâu sắc của bạn dành cho học viên của mình. Vì thế, rất xứng đáng để các huấn luyện viên Yoga kiên trì rèn luyện và học hỏi trên hành trình dẫn dắt Yoga lan tỏa sứ mệnh hạnh phúc và yêu thương.
*Link dành cho các bạn mong muốn trở thành Huấn luyện viên Yoga chuyên nghiệp: https://huan-luyen-vien-yoga.yogadaily.vn/
…………………………………………………………………………………………….
P/S: Bài viết lấy cảm hứng và tham khảo nội dung từ kho tư liệu dành cho Huấn luyện viên Yoga của YogaInternational, YogaJournal.
Leave a Reply